Đồng bào dân tộc Giáy ở Sapa coi những chiếc bánh rợm, bánh bỏng, bánh chít…là lễ vật không thể thiếu vào mỗi dịp Tết, ma chay hay cưới hỏi. Các loại bánh này được người Giáy cẩn thận, nâng niu dâng lên tổ tiên là để báo cáo thành quả lao động sau một năm, đồng thời khấn xin ơn trên ban cho sức khỏe, may mắn và mùa màng bội thu. Bởi thế, công đoạn làm bánh thắp hương được bà con chuẩn bị vô cùng kỹ càng. Không biết rằng hương vị của những chiếc bánh đó sẽ như thế nào? Cùng tìm hiểu với Truly Sapa trong bài viết sau nhé!
Bánh rợm
Từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thời xưa, đồng bào Giáy ở Sapa đã chế biến ra nhiều loại bánh ngon, bổ dưỡng, điển hình như bánh rợm hay còn gọi là “háu pẻng”. Loại bánh này thường làm vào tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) hoặc ngày xá tội vong nhân (Rằm tháng 7 âm lịch) hằng năm. Tuy nhiên, ngày nay, bánh rợm được các gia đình Giáy gói thường xuyên, bày bán ở chợ và trở thành món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích.
Làm bánh rợm không quá cầu kỳ nhưng cần kỹ lưỡng trong từng công đoạn. Khi làm vỏ bánh, người Giáy sẽ dùng bột gạo nếp xay từ thứ nếp nương truyền thống để bánh được thơm dẻo và mềm mịn. Khi làm nhân bánh, bà con chuẩn bị 2 loại là nhân mặn và nhân ngọt từ lạc và đỗ xanh. Hay khi gói bánh, phải lấy lá chuối rừng bản to, lành lặn, đặt bánh đã vo thành hình tròn vào mặt trái của lá, cuộn cẩn thận sao cho phần lá bọc kín thịt bánh.
Theo kinh nghiệm của đồng bào Giáy, bánh rợm sau khi được hấp chín cần nhanh tay gắp ra, xếp dàn ra mâm hoặc chỗ nào đó thoáng khí để bánh nhanh nguội và ráo nước, như vậy bánh mới không bị ướt, nhão hoặc mất mùi vị. Chiếc bánh rợm nhỏ xinh, nóng hổi thơm ngon hiện có giá bán 10.000 đồng một cặp tại các phiên chợ vùng cao.
Bánh xốp
Cùng với bánh rợm, bánh xốp của đồng bào Giáy đã góp phần làm nên nét phong phú ấn tượng cho ẩm thực dân tộc mình. Bánh xốp là món ăn dân dã được chế biến vào những ngày rảnh rang, làm thức quà vặt ngày thường. Các công đoạn cơ bản gồm có: ngâm gạo tẻ, xay gạo thành bột, trộn bột với đường theo tỷ lệ đường – gạo là 1- 2, khuấy đều cho đường tan hết rồi đem hấp.
Theo lời các gia đình bán món bánh này ở chợ phiên, bánh xốp không khó làm những đòi hỏi kinh nghiệm. Muốn bánh phồng, xốp, khô thì phải chọn loại gạo thật cứng, không dính, khi hấp bánh phải duy trì lửa cháy thật to, cháy đều, bánh mới nở được. Cách làm truyền thống đó tuy mất thời gian nhưng nhờ vậy mới giữ lại được đúng hương vị của bánh xốp.
Tới phiên chợ của người Giáy khu vực Mường Khương, Bát Xát, bánh xốp sẽ được đựng trong từng chiếc túi nhỏ, với giá bán chỉ 10.000 đồng một túi.
Du khách ghé chơi chợ phiên hãy mua ăn thử loại bánh này. Bánh xốp màu trắng, bột nở như bánh bao, vị ngọt và thơm gần giống vị bánh bò trong Nam.
Đây tuy là món quà bình dị nhưng gắn liền với tuổi thơ nhiều vất vả, thiếu thốn của người miền núi. Loại gạo cứng nhất, xay cùng cơm nguội dưới đôi bàn tay khéo léo lại trở thành món ăn lạ miệng rất riêng của dân tộc Giáy.
Bánh bỏng
Mâm cỗ của người Giáy sẽ chẳng bao giờ thiếu được món bánh bỏng bùi bùi, thơm ngọt. Ngoài những ngày lễ lạt, món bánh này cùng thường xuyên được bà con làm để ăn trong Tết. Cách chế biến bánh bỏng vô cùng thú vị. Vì bánh dùng làm đồ cúng nên bà con lựa chọn gạo rất kỹ, hạt phải tròn thì mới đạt tiêu chuẩn.
Người già trong bản chia sẻ thêm, gạo đồ thành xôi, chín tới rồi rắc bột vào cho các hạt gạo không dính vào nhau. Xong đâu đấy, người ta ép nhẹ cho hạt gạo mỏng dẹt rồi đem phơi khô để tránh hạt bị mốc. Gần đến ngày làm cỗ, bà con rang gạo lên và trộn chung với đường phên (đường nâu). Cuối cùng hỗn hợp đó được đơm vào khuôn, đắp lên thành chóp cao để đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Bánh khảo
Bánh khảo cũng là loại bánh xuất hiện nhiều trong dịp Tết của bà con dân tộc Giáy. Cứ đến ngày 26, 27 tháng Chạp, nhà nhà người người Giáy lại làm bánh khảo để thiết đãi bạn bè, mời khách hoặc làm quà biếu tặng.
Về cơ bản, những bước đầu làm bánh khảo cũng giống như làm bánh bỏng. Khi đến công đoạn rang, thì thay vì nhào đường ngay, gạo rang kỹ lại được đem nghiền thành bột mịn rồi mang đi “hạ thổ” trong khoảng 2 đến 3 ngày. Sau đấy bột nở ra, người ta tiếp tục trộn với đường phên đã được giã mịn cho tới lúc bột và đường quyện lại. Cuối cùng, tán bột nhuyễn ra và tạo hình bánh bằng khuôn là hoàn thành.
Bánh chít
Mỗi năm người Giáy chỉ làm bánh chít một lần đúng vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Trong tiếng dân tộc Giáy, bánh chít gọi là “háu ụt”, được làm từ những nguyên liệu thân thuộc với người bản địa như lá chít, gạo nếp và một số cây rừng mọc ven suối hoặc trong vườn nhà.
Muốn bánh chít thành hình phải trải qua nhiều công đoạn như pha nước tro, gói bánh rồi luộc bánh. Công đoạn nào cũng quan trọng nhưng để bánh thơm ngon, dẻo thạch thì yếu tố quyết định nằm ở phần nước tro.
Theo đó, người Giáy sử dụng tổng hợp các lá thuốc dân gian phơi khô, đốt thành tro rồi ủ với nước và trưng cất, sàng lọc lấy nước cốt ngâm gạo. Nếu thực hiện công đoạn pha nước tro hài hòa hợp lý thì bánh cho màu bánh váng óng rất thích mắt.
Gạo ngâm xong đã mềm nên cực kỳ dễ gói. Bánh chít của bà con Giáy thường gói theo hình khối tam giác. Nhà có trẻ nhỏ sẽ làm thêm bánh chít hình đùi gà trông ngộ nghĩnh vô cùng.
Comment (0)