Người Giáy ở Sapa có một kho tàng ẩm thực phong phú. Các món ăn của họ không chỉ đẹp về hình thức, màu sắc, ngon bổ về thành phần dinh dưỡng, cầu kỳ trong cách chế biến, mà chúng còn truyền tải ý nghĩa nhân văn, những biểu tượng mang tính văn hóa cộng đồng.

Bữa cơm thường ngày của bà con Giáy có món xào và món canh. Khi tiếp khách thì thêm vài món luộc hoặc chiên rán. Những món ngon nhất thì hay chuẩn bị vào ngày lễ Tết. Hãy đến Tả Van để được thưởng thức tất thảy các món đặc sản hấp dẫn ấy nhé!

Nò lạp (thịt hun khói)

Nguồn thực phẩm dùng trong đời sống chủ yếu do các gia đình người Giáy tự cung, tự cấp. Hằng năm vào dịp Tết, nhà nào cũng mổ lợn to trên một tạ và để dành thịt ăn cả năm. Với kinh nghiệm nhiều đời, bà con Giáy biết cách bảo quản thịt sao cho vẫn thơm và ngon. Và cách làm thông dụng nhất được họ áp dụng đó là hun khói thịt lợn.

Món thịt hun khói trong tiếng dân tộc gọi là nò lạp. Theo đó, nò lạp hấp dẫn du khách nhờ vào hương vị rất riêng của nó. Để tạo ra đặc sản ấy, khâu quan trọng nhất là tẩm ướp thịt bằng các gia vị đặc trưng vùng núi Tây Bắc. Sau đó, thịt được cho vào thùng gỗ to ướp từ 5 đến 7 ngày mới đem treo lên gác bếp sấy. Bà con Giáy thường dùng củi hoặc bã mía khô, vun thành khói thơm, sấy thịt đến khi khô và chảy hết mỡ xuống.

Thịt hun khói vàng óng, thơm lừng được người Giáy treo gác bếp
Thịt hun khói vàng óng, thơm lừng được người Giáy treo gác bếp

Người Giáy sáng tạo ra nhiều món ăn ngon từ nò lạp. Trong đó, cách chế biến đơn giản nhất được làm như sau: thui phần da của miếng thịt cho vàng và quăn lại, rửa sạch lại với nước, rồi cho vào luộc chín. Miếng thịt thái nhỏ vừa ăn, mềm mướt, không cần chấm vì vị vô cùng đậm đà. Ngoài ra, người Giáy có thể đổi bữa bằng món xào. Riêng nò lạp xào không đã ngon, thêm chút măng tươi, riềng hoặc thảo quả thì món ăn còn tuyệt vời hơn nữa.

Món thịt hun khói xào rau xanh cực hấp dẫn
Món thịt hun khói xào rau xanh cực hấp dẫn

Khâu nhục

Tên gọi “khâu nhục” xuất phát từ phiên âm tiếng Hoa với “khâu” chỉ cách chế biến món ăn: hấp đến mềm rục, còn “nhục” nghĩa là “thịt. Do đó, có thể hiểu “khâu nhục” là món thịt được hấp mềm, chín nhừ. Đây là món ăn dân giã của dân tộc Giáy, góp mặt trong mâm cỗ những ngày lễ, Tết, đám cưới hoặc tiệc chúc mừng trọng đại của các gia đình.

Khâu nhục của người Giáy ở Tả Van được chế biến theo nhiều công đoạn và tốn không ít thời gian. Món khâu nhục phải đầy đủ những loại gia vị cần thiết như sả, gừng, hành, tỏi, hạt dổi, nước mắm, xì dầu, mì chính, mẻ, đậu phụ “thối”, rau cải mèo muối chua…dù thiếu một thứ cũng không thành vị món đặc sản được.

Ngoài ra, người làm khâu nhục còn phải rất chú ý tới cách chọn thịt. Theo đó, miếng thịt “tuyển” cần tươi ngon với lượng nạc và mỡ cân đối.

Món khâu nhục ở Tả Van cầu kỳ và sử dụng nhiều gia vị lấy trực tiếp từ thiên nhiên đã tạo ra sự khác biệt rõ nét trong hương vị
Món khâu nhục ở Tả Van cầu kỳ và sử dụng nhiều gia vị lấy trực tiếp từ thiên nhiên đã tạo ra sự khác biệt rõ nét trong hương vị

Nộm rau dớn

Ở miền núi Tây Bắc có loài rau dớn thuộc họ dương xỉ, mọc tự nhiên trong các thung lũng, triền núi hay bên ven suối. Từ lâu, đồng bào dân tộc Giáy đã coi rau dớn là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày.

Người Giáy vào rừng hái rau tươi về ăn vào buổi chiều bởi rau dớn hái vào thời điểm đó sẽ ít nước và giòn hơn. Đặc biệt, để thưởng thức ở độ ngon nhất, họ còn cho rau dớn héo bớt đi rồi mới chế biến.

Rau dớn mọc tự nhiên trong rừng Tây Bắc
Rau dớn mọc tự nhiên trong rừng Tây Bắc

Có thể nói, món nộm rau dớn là món ăn mang đậm bản sắc của người Giáy. Rau tươi lấy từ rừng về sẽ đem phơi nắng cho héo rồi chần qua bằng nước sôi, bóp qua muối, vắt kỹ, sau cùng trộn cùng vừng lạc, tỏi, ớt, giấm, đường. Thực hiện đúng theo các bước thì khi ăn rau không còn vị nhớt, hăng mà trở nên thơm ngon, mang hương vị của núi rừng.

Ngoài ra, từ rau dớn, người Giáy còn chế biến thành nhiều món ngon khác như canh cá rau dớn nấu cùng lá vón vén hoặc rau dớn xào tỏi, ngọn đu đủ đực và quả cà dại.

Món nộm rau dớn ngon không cưỡng nổi
Món nộm rau dớn ngon không cưỡng nổi

Bánh chưng gù

Người Giáy quan niệm, bánh chưng gù dâng lên tổ tiên trong ngày Tết Xiêng Láo là để báo cáo thành quả lao động một năm qua, đồng thời cầu mong sức khỏe, may mắn và vụ mùa mới bội thu hơn. Vì vậy, công đoạn làm bánh chưng gù được bà con chuẩn bị rất cẩn thận.

Khác với bánh chưng vuông bạn hay thấy, bánh chưng của tộc người Giáy có hai đầu thon, phần giữa phình to nhìn như lưng người đang khom nên mới gọi là bánh chưng gù.

Món bánh chưng gù đặc sản nức tiếng của người Giáy ở Tả Van
Món bánh chưng gù đặc sản nức tiếng của người Giáy ở Tả Van

Nguyên liệu làm bánh chưng gù được tuyển chọn kỹ càng. Gạo nếp nương do bà con tự cấy, lá dong bánh tẻ có khổ to vừa lấy trên rừng về và nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ. Riêng phần thịt phải là loại lợn nhà nuôi, cắt khúc rồi ướp với gia vị và thảo quả nướng. Bánh gói xong còn phải xếp ngâm khoảng 3-4 tiếng mới được luộc. Sau 10 tiếng, bà con nhẹ nhàng, nâng niu chiếc bánh chưng gù chín thơm, bày lên bàn thờ gia tiên.

Bánh chưng gù của người Giáy xanh dền, dẻo thơm vô cùng
Bánh chưng gù của người Giáy xanh dền, dẻo thơm vô cùng

Đối với đồng bào Giáy, món ăn như một cách kết nối cộng đồng. Họ thể hiện sự thân thiện, vui vẻ của mình qua các đặc sản mời khách. Điều đáng quý đó được du khách coi trọng và mãi lưu lại ấn tượng tốt đẹp về Sapa.