Vùng cao Tây Bắc có những cánh rừng bạt ngàn, nơi bao phủ bởi thảm thực vật đa dạng về kiểu hệ sinh thái. Theo chân người bản địa, tiến vào rừng sâu, bạn sẽ khám phá được biết bao nhiêu giống cây “lạ mà quen”. Chúng độc đáo vì mọc ở nơi núi non, chúng thân thuộc vì gần giống với một số cây sinh trưởng vùng đồng bằng. Hãy cùng nhau phiêu lưu một chuyến trong rừng Tây Bắc để kiếm tìm những loài thực vật ăn được mà chẳng phải nấu chín trong bài viết này nhé!
Măng đắng mùa xuân – Vị ngọt đắng dễ ăn
Vào rừng bẻ măng vốn là việc làm thường ngày của người dân vùng cao. Đất trời Tây Bắc với khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây măng. Bởi vậy, măng mọc đầy trong rừng, cơ man các loại khác nhau, nào là măng bươu, măng tre rồi măng nứa. Các món ăn từ măng cũng do đó mà được đa dạng hóa. Chắc rằng, bạn đã thử qua măng chua hoặc măng khô. Tuy vậy, liệu bạn đã nếm thử măng sống hay chưa?
Loại măng được nhắc đến sau đây là măng đắng. Nghe tên đã đoán ra vị, nhưng điều bất ngờ là giống cây này lại ngọt khi được thu hoạch vào đầu mùa xuân. Thực chất, măng đắng tươi mọc quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa. Măng càng già sẽ càng đắng. Người Tây Bắc vẫn thường dùng măng đắng chế biến các món ăn. Song, họ cũng trực tiếp ăn măng khi vừa hái xong.
Mang theo một con dao chuyên dụng, bẻ một cành cây con, vót đầu cho nhọn là đã xong công cụ đào măng. Rồi lần theo vị trí của cây tre, cây nứa, họ đào xung quanh để kiếm măng. Ở trong lòng đất là những củ măng còn non, đầu tím hồng, thân trắng. Ăn ngay sẽ có vị ngọt xen lẫn chút chát nhẹ, chấm cùng chẳm chéo cay nồng thì còn gì tuyệt hơn trong thời tiết se lạnh nữa. Cứ thế thưởng thức măng là thấy hương vị vùng núi ngập tràn.
Hái quả dâu da rừng (mác phay) – Thức quả tuổi thơ của trẻ em Tây Bắc
Ở Tây Bắc, người lớn lên rừng hay dắt theo trẻ con. Cánh rừng sâu ấy là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của biết bao bạn nhỏ. Và loài cây gần gũi nhất không gì khác là dâu da rừng (còn gọi là mác phay). Giống cây này sống tự nhiên trong rừng, thuộc dòng thân gỗ lớn, cho quả sai lúc lỉu mọc thành chùm từ gốc tới cành trông đã mắt vô cùng.
Quả chín có màu đỏ, tách ra hạt bên trong màu trắng căng mẩy. Thỉnh thoảng sẽ thấy vài cây quả màu vàng nhạt có hạt tím trông rất lạ. Dẫu vậy, hương vị dâu da rừng nhìn chung sẽ vừa chua vừa ngọt, dễ ăn. Quả có vị thanh, nhiều nước, chứa nhiều chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Dâu da rừng ra trái từ tháng 4 đến hết tháng 7 hàng năm, mùa chín rộ rơi vào tháng 7. Muốn kiếm cho mình những chùm dâu da chín ngọt, ngoài căn thời gian đúng chuẩn ra, bạn cũng cần nắm được vị trí sinh trưởng của chúng. Cây dâu da rừng mọc ven suối, sâu trong rừng rậm nên thân khá ẩm ướt. Người bản địa tuy đã quen, nhưng ở một số cây, trái mọc tít trên cao cộng thêm tình trạng trơn trượt thì việc thu lượm không hề dễ dàng. Do đó, tốt nhất là tìm những cây đủ tầm với để ăn và nhường việc leo trèo cho “dân chuyên” bạn nhé.
Lên rừng tìm quả đài hái (quả móng trâu)
Thêm một giống cây rừng đặc biệt khác, phần lớn chỉ người bản địa mới biết, là đài hái. Nó còn có nhiều tên gọi khác như cây dây hái, dây mỡ lợn, mướp rừng… Các tên gọi ấy xuất phát từ đặc điểm sinh học của nó. Cây thuộc họ bí nên mọc thành dây leo, thân nhẵn, những cây trưởng thành có thể phát triển trên 30m. Lá cây có hình trái tim chia thành 3 đến 5 thùy, rộng khoảng 15 đến 25cm.
Khi vào rừng, lá cây là dấu hiệu nhận biết về sự tồn tại của đài hái. Lần theo đó, tiếp tục tiến sâu hơn trong rừng, sẽ thấy quả đài hái lấp ló sau tán cây. Quả tròn có múi như trái bưởi, khác ở chỗ vỏ nhắn, bên trong là hạt cứng. Loại hạt này có chứa lượng dầu cao chiếm 60% đến 70% dinh dưỡng. Tận dụng điều này, người dân Tây Bắc ép hạt lấy mỡ nấu ăn hoặc làm ra dầu thắp đèn.
Dân đi rừng thường nhắc đến quả đài hái vì loại quả này có hương vị rất đặc biệt. Ăn sống thì bùi bùi chứa vị chát nhẹ, khi chín lại có hương thơm khó cưỡng. Tuy nhiên, chẳng đơn giản để thưởng thức được thức quả này. Nếu dùng dao sẽ tốn sức kha khá mới đập được lớp vỏ cứng bọc lấy hạt. Cho nên, bà con Tây Bắc chủ yếu chọn cách thứ hai, nướng chín hạt lên, vỏ tách ra vô cùng dễ dàng. Cứ làm theo hướng dẫn của người bản địa, trải nghiệm của bạn chỉ có tuyệt vời hơn mà thôi!
Comment (0)