Hằng năm vào dịp đầu xuân, đồng bào dân tộc Giáy ở Tả Van, Sapa lại nô nức đón lễ hội Roóng Poọc. Đây được xem là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc bậc nhất trong kho tàng di sản văn hoa của người Giáy. Nét đẹp truyền thống này nhanh chóng lan rộng và thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước quan tâm. Nếu bạn cũng mê văn hóa truyền thống thì còn chờ gì mà không lên đồ và tới phố núi trẩy hội cùng hội bạn thân nhỉ? Lưu ngay thông tin cần biết về lễ hội Roóng Poọc ở đây!
Ý nghĩa của lễ hội Roóng Poọc ở xã Tả Van, Sapa
Tộc người Giáy, hay còn gọi theo nhiều tên khác như Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Cùi Chu, Xạ, thuộc nhóm các dân tộc Tày – Thái , và là đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở bản Tả Van, Lào Cai. Hầu hết các gia đình người Giáy thuần nông, làm ruộng nước là chính, làm rẫy tăng thu nhập và nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa, lợn, gà. Chính bởi sống dựa vào nghề nông nên lễ hội Roóng Poọc rất được bà con Giáy coi trọng.
Giải thích về tên lễ hội, trong tiếng Giáy, “Roóng” nghĩa là xuống, còn “Poọc” có nghĩa là đồng ruộng. Nói cách khác, tên gọi theo tiếng Kinh là lễ hội xuống đồng. Đây là dịp lễ trọng đại đối với người Giáy, mục đích để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hòa. Bên cạnh đó, người bản địa cũng chia sẻ, từ “Poọc” mang ý nghĩa lễ hội nhiều hơn, bởi nó nói lên được sự đông đúc của người tham gia.
Lễ hội Roóng Poọc ở Sapa tổ chức khi nào và ở đâu?
Cứ vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch mỗi năm, người Giáy lại rục rịch tổ chức lễ hội Roóng Poọc ở bãi đất phẳng phía đầu bản, ngay gần làng người Giáy sinh sống. Theo quan niệm của đồng bào Giáy, dịp lễ này là đấu mốc kết thúc một tháng Tết vui chơi, đồng thời mở ra một năm mới lao động năng suất hơn. Ngoài ra, trong tư tưởng của người Giáy, đây còn là lễ cúng thần cai quan địa bàn, với mong muốn thần phù hộ cho ngộn lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triền, con người khỏe mạnh, cuộc sống yên bình.
Người Giáy chuẩn bị và đón lễ hội Roóng Poọc như thế nào?
Tuy vốn là lễ hội truyền thống của dân tộc Giáy ở Tả Van, nhưng trong nhiều năm gần đây đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của nhiều bản làng dưới thung lũng Mường Hoa. Mới sáng sớm, đã nghe tiếng cười nói tíu tít trong sương mờ của đoàn người, hồ hởi đi trẩy hội. Nào là người Mông ở Hầu Thào, Lao Chải, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng, rồi các khách du lịch tứ xứ tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài ngàn người.
Công tác chuẩn bị lễ hội Roóng Poọc Sapa
Từ lúc trời chưa sáng, các chức sắc trong làng đã họp mặt tại nhà chủ làng để chuẩn bị đồ cúng thần cho lễ hội xuống đồng. Ở trung tâm hội, người Giáy dựng cây còn cao vút bằng cây mai. Trên ngọn cây treo một vòng tròn làm từ tre, vót nhọn rồi uốn cong lại thành vòng tròn. Vòng tròn đó một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt còn lại dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng.
Mâm cúng của thầy mo bao gồm các lễ vật mang ý nghĩa biểu trưng cho sự no ấm, đủ đầy như vải, trứng, măng, xôi ngũ sắc, trang sức bạc cùng qủa còn của các cô gái chưa chồng. Dưới gầm bàn lễ còn để lợn, gà và vịt, trên ghế ngồi của thần còn có cành củi và gánh cỏ. Những lễ vật này được dâng lên các vị thần, hàm ý khi thần linh và tuỳ tùng du ngoạn trần thế cần tới đồ ăn để no bụng, củi lửa để sưởi hay cỏ cho ngựa gặm…
Phần nghi lễ của lễ hội Roóng Poọc
Sau khi sắp lễ xong và mọi người trong làng có mặt đủ, thầy cúng sẽ khấn, đọc tên các lễ vật và xin vị thần bản phù hộ dân chúng mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng, cá đầy sông suối, người người nhà nhà khoẻ mạnh, làm ra của ăn của để. Lễ cúng xong, những người già uy tín sẽ nhận lấy trái còn và ném tượng trưng vào vòng tròn dán giấy treo ở ngọn cây mai.
Trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng Nhật Nguyệt thì năm đó bản mới gặp may mắn, thuận lợi. Người Giáy chọn những người già có kinh nghiệm cũng lẽ đó. Khi vòng Nhật Nguyệt được ném thủng, các gia đình lần lượt tới bàn thờ chính thắp hương và vái lạy thần linh.
Phần hội của lễ hội Roóng Poọc
Ngay sau khi phần lễ kết thúc, dàn nhạc trống, chiêng điệu kèn pì lé tấu lên báo hiệu phần hội Roóng Poọc bắt đầu. Bất giờ mới là lúc người dân trong bản được thoả sức “bung xoá”. Từ người già đến người trẻ, từ nam tới nữ, ai nấy cũng hào hứng tham gia các trò chơi dân gian. Hai phần thi không thể thiếu trong lễ hội Roóng Poọc của các năm là ném còn và kéo co. Ngoài ra, người Giáy còn tổ chức thêm nhiều trò vui nhộn khác như cày ruộng, bị mắt bắt dê, đánh đu, vật cây, đi cà kheo… Đặc biệt, khách du lịch cũng có thể tham gia và hoà vào không khí náo nhiệt này.
Comment (0)