Sapa nổi tiếng với đặc sản rượu, có thể làm bạn đắm say chỉ với hớp đầu tiên. Rượu Sapa khá đa dạng về loại cũng như hương vị, nhưng có điểm chung là đa phần đều được chế biến từ những loại quả rừng, thảo mộc mọc tự nhiên trong núi ngàn Tây Bắc.

Chính nhờ sự khác lạ đó mà du khách ghé chơi phố núi thường xách về một bình rượu thơm, thỉnh thoảng uống chơi hoặc mời bạn bè vào các dịp hội ngộ. Liệu bạn có tò mò về hương vị tinh tuý từ đất trời Tây Bắc? Khám phá ngay 5 loại rượu Sapa hấp dẫn sau cùng Truly Sapa nhé!

Rượu “tiên” San Lùng Sapa

Hỏi ngẫu nhiên một người dân Sapa về một loại rượu, câu trả lời nhận được nhiều nhất chính là rượu San Lùng. Thật vậy, đây là loại rượu quý được đồng bào miền núi rất xem trọng. Rượu này ngoài những dịp lễ Tết, đám cưới, hội hè hoặc thiết đãi bạn hiền hay khách từ phương xa tới thì rất ít dùng ngày thường.

Rượu San Lùng Sapa được ủ trong chum lớn
Rượu San Lùng Sapa được ủ trong chum lớn

Rượu ngon phải đi từ nguyên liệu, theo đó, hạt thóc nương phải được tuyển chọn kỹ lưỡng. Trước lúc nấu còn phải ngâm thóc thành mộng và chưng ủ cùng cao lương thảo dược được hái trên núi. Loại rượu này không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp và chống lạnh, trị cảm cực hiệu quả.

Nhờ vào sự kỳ công, kiên trì và tỉ mỉ của người ủ rượu nên thức uống San Lùng mới đạt tới độ ngon đỉnh cao
Nhờ vào sự kỳ công, kiên trì và tỉ mỉ của người ủ rượu nên thức uống San Lùng mới đạt tới độ ngon đỉnh cao

Rượu mận Sapa

Rượu mận được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng ở những nơi trồng mận như Sapa. Dòng rượu này được chế biến từ những quả mận chín vụ to, tròn, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Và phải là thứ quả tươi ngon mới cho ra nước rượu trong veo, thơm nồng mùi mận Tây Bắc.

Chọn mận ngon đòi hỏi kim nghiệm của người ủ rượu
Chọn mận ngon đòi hỏi kim nghiệm của người ủ rượu

Rượu mận ngâm Sapa có màu đỏ đậm đặc trưng. Mới nhấp môi thì vị chua nhẹ, uống thêm sẽ đọng lại vị ngọt nơi cuống họng. Loại rượu này sẽ đem đến cho bạn cảm giác vừa thú vị vừa kích thích.

Bên cạnh đó, rượu mận cũng rất tốt cho sức khỏe. Với hàm lượng lớn vitamin C và Beta Carotene, rượu mận giúp cải thiện hệ tiêu hóa, làm đẹp da và bảo vệ tim mạch.

Màu đỏ của rượu mận quyến rũ ta ngay từ ánh nhìn đầu tiên
Màu đỏ của rượu mận quyến rũ ta ngay từ ánh nhìn đầu tiên

Rượu mơ má đào Sapa

Đến Sapa mà không thưởng thức rượu mơ má đào thực sự là một sự thiếu sót. Đúng như tên gọi, loại rượu này được làm từ quả mơ má đào lông tơ, vỏ dày, chua gắt, thịt quả mềm và cực thơm. Mùa mơ Sapa khá ngắn ngủi, chỉ kéo dài khoảng 60 ngày bắt đầu từ tháng 4. Thế nên, thời điểm hiện tại vừa đẹp cho bạn thưởng thức nó trên phố núi đó.

Mơ má đào chín cây là lúc bà con Sapa thu hoạch về để ngâm rượu
Mơ má đào chín cây là lúc bà con Sapa thu hoạch về để ngâm rượu

Rượu mơ má đào ngâm cùng đường phèn, vì thế tạo màu cam đẹp mắt, vị chua dịu nhẹ và độ ngọt sâu. Khi tới thị trấn mờ sương, người dân sẽ chia sẻ nhiều cách thưởng thức rượu ngon tới du khách. Chẳng hạn như uống rượu khi ăn các món nướng, món xào, nộm, salad, lẩu… Hoặc ướp rượu lạnh để uống được thanh vị hơn.

Các chai rượu má đào Sapa có thiết kế sang trọng, hiện đại thích hợp làm quà biếu tặng
Các chai rượu má đào Sapa có thiết kế sang trọng, hiện đại thích hợp làm quà biếu tặng

Rượu táo mèo Sapa

Du lịch Sapa, du khách thập phương sẽ được chìm đắm trong men rượu nồng ấm của táo mèo – loại rượu được ngâm ủ từ loài táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị ngọt thơm đặc trưng của rừng núi. Tuy là loại đồ uống dân dã nhưng với hương vị độc đáo của mình, rượu táo mèo đã chinh phục biết bao thực khách và trở thành đặc sản Sapa nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước.

Quả táo mèo - Quả "tình yêu" đối với người miền cao
Quả táo mèo – Quả “tình yêu” đối với người miền cao

Ở Sapa, quả táo mèo mọc hoang trong rừng Hoàng Liên, cứ thế lớn lên, đơm hoa rồi kết quả. Người dân bản địa xem nó như một món quà đặc biệt mà mẹ thiên nhiên dành tặng.

Mỗi mùa táo mèo chín, họ lên rừng hái về những quả tươi nhất để ngâm rượu. Và phải là trái táo mèo ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao mới tạo ra được thứ rượu vừa ngọt, vừa chua độc đáo cho chúng ta thưởng thức ngày nay.

Nhà người H'Mông ở Sapa thường cất vài bình rượu táo mèo ngâm
Nhà người H’Mông ở Sapa thường cất vài bình rượu táo mèo ngâm

Rượu sâu chít Sapa

Có thể người đồng bằng còn xa lạ với cây chít, nhưng đối với người dân Tây Bắc đây là loài cây hữu dụng, chẳng những cho bông làm chổi mà còn cho thêm một loại ấu trùng gọi là sâu chít chuyên để ăn và ngâm rượu. Hằng năm cứ vào tầm tháng 4 hàng năm, người dân tộc Mông, Giáy ở Sapa bắt đầu mang gùi lên núi tìm hái đọt cây chít về để lấy sâu.

Cây chít đến mùa được người dân tộc hái đem về nhà làm chổi, nấu rượu
Cây chít đến mùa được người dân tộc hái đem về nhà làm chổi, nấu rượu

Những con sâu chít sau khi được lấy ra từ đọt cây sẽ được thả ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để không bị biến chất. Qua một thời gian ngâm, rượu lên màu vàng nhạt giống nước trái cây, bề mặt trên chứa lớp màng mỏng.

Rượu sâu chít Sapa được đánh giá là tốt cho sức khỏe của cả nam và nữ giới. Rượu khá nhẹ, không gây choáng hay đau đầu dù bạn có uống nhiều đi nữa.

Rượu sâu chít hay còn gọi là rượu đông trùng hạ thảo
Rượu sâu chít hay còn gọi là rượu đông trùng hạ thảo