Sapa không chỉ nổi tiếng về thắng cảnh, ẩm thực mà còn hấp dẫn du khách bởi những món đồ thêu thủ công tinh xảo, mang đậm “phong vị” của người vùng cao. Nói riêng về người Sapa, có đến 50% dân số là người H’Mông. Do đó, những tác phẩm thêu độc đáo phần lớn được làm nên bởi bàn tay khéo léo của họ. Và bạn có biết giá trị của những sản phẩm ấy lên tới cả ngàn đô hay không? Cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!
Đặc sắc những sản phẩm thêu thủ công của dân tộc Mông
Khi du lịch tại Sapa ngày một phát triển, nghề thêu hoa văn thổ cẩm trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của bà con Mông. Hoa văn trên vải của người Mông diễn tả về cuộc sống tự nhiên trên vùng cao, mang tính thẩm mỹ riêng biệt, không có ở nơi khác. Thế nên, du khách thập phương đổ về Sapa cứ ngày một tăng lên vì trót mê đắm nét đẹp văn hóa ấy.
Ở Sapa, sản phẩm thổ cẩm nhiều vô số kể. Chúng đa dạng về mẫu mã, hình dạng và màu sắc, tha hồ cho du khách chọn lựa. Điển hình, những vật dụng quen thuộc như khăn, quần áo, túi xách, ví, mũ, giày hoặc một số mặt hàng khác có tính ứng dụng cao trong trang trí nội thất như tranh treo tường, thảm, khăn trải bàn, chăn gối, móc treo chìa khoá, lót ly… sẽ được bày bán rộng rãi.
Về chất liệu
Thổ cẩm “chính hiệu” chủ yếu được làm bằng vải lanh, do bà con Mông tự dệt. Trải qua các công đoạn se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, sợi vải làm ra thường hơi thô, cứng và có màu trầm. Các sợi không dày khít mà thưa thưa để giúp bà con đếm sợi được dễ dàng khi thêu hoa văn.
So với thổ cẩm công nghiệp dệt bằng máy, bề mặt nhẵn bóng với từng sợi vải đều tăm tắp, dễ dàng tìm được ở bất cứ đâu thì vẻ ngoài thô ráp, sờ vào là thấy nhám tay lại chính là điểm khác biệt mà du khách muốn có.
Về màu sắc
Các màu chủ đạo thường chỉ có xanh, đỏ, đen và vàng. Nhưng chính vì ít màu nên khi phối chúng lại với nhau sẽ cho cảm giác hài hòa và dịu mắt. Đặc biệt, màu của thổ cẩm rất lâu phai, bền bỉ theo năm tháng. Bạn chỉ cần lưu ý, đối với những miếng vải màu xanh hoặc đen, trong 2,3 lần giặt đầu sẽ phai một chút nên đừng giặt chung với đồ sáng màu nhé!
Về hoa văn
Thổ cẩm mô phỏng cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người Mông. Bằng những họa tiết đơn giản như hình xoắn ốc, hình dây bầu, dây bí, hình cây thông, ô vuông, tam giác, hình chữ nhật… bức tranh thiên nhiên và con người vùng cao Tây Bắc xinh đẹp hút hồn được tái hiện theo cách riêng như thế. Đây cũng là những biểu tượng về đời sống nông nghiệp, gắn bó với núi rừng của bà con.
Giá trị của đồ thêu tay được làm bởi đồng bào Mông
Nếu tìm hiểu về Sapa, du khách hẳn nghe nhiều về những món đồ thủ công lên tới cả ngàn đô. Và thực sự mức giá đó là xứng đáng nếu họ biết về quá trình tạo nên chúng. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, mấy ai biết rõ thời gian thực hiện của người Mông. Nếu chỉ thêu thông thường, coi nó như một thú vui bình dị thì bà con cũng dành ra tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Còn khi đó là nghề nghiệp, cả ngày họ sẽ vừa thêu, vừa làm việc nhà, nương rẫy.
Đã là thổ cẩm, tất cả đều được thêu tay. Bạn tưởng tượng, một mảnh vải thêu xong cũng mất ít nhất hai tuần, thì những bộ trang phục cầu kỳ phải tốn 1 đến 2 năm mới hoàn thiện. Không phải vấn đề ở kỹ năng, sự phức tạp của hoa văn cùng chất lượng sản phẩm đòi hỏi ở họ tính kiên trì và siêng năng. Vậy nên, món đồ thêu thủ công trên tay du khách không chỉ là “đặc sản” Sapa mà còn là thành quả của quá trình miệt mài, cần cù của người phụ nữ H’Mông.
Mức giá cao của các sản phẩm thổ cẩm Sapa còn nằm ở nét tinh xảo trên từng họa tiết. Người Mông thêu rất tỉ mỉ, chú ý từng tiểu tiết nên thổ cẩm mới mang đậm vẻ đẹp truyền thống vùng cao. Bên cạnh sự khéo léo được rèn luyện từ nhỏ, đồng bào H’Mông sớm đã truyền thụ nghề thêu cho các thế hệ sau. Văn hóa này luôn được gìn giữ, tôn vinh và phát triển qua nhiều thập kỷ.
Kỹ thuật họ sử dụng nhiều và phức tạp, có thể điểm tên một số như nhuộm chàm, dùng sáp ong, dùng chỉ màu, ghép vải,… Dĩ nhiên, công nghệ dệt may có thể làm hơn thế, nhưng chắc chắn bạn sẽ không tìm ra những tấm vải chỉ thêu san sát, sờ tay vào là thấy hoa văn nổi cộm và mặt trái có nhiều nút thắt nối chỉ ở các sản phẩm phổ thông đâu.
Gìn giữ nghề thêu thổ cẩm truyền thống – “phong vị” đặc trưng của Sapa
Gần như cả cuộc đời người dân tộc Mông theo nghề truyền thống và ở đây là thêu thủ công. Trước đây, chị em phụ nữ Mông thêu, dệt quần áo cho bản thân và gia đình. Ngày nay, bà con làm công việc này để kiếm thu nhập. Bà con chỉ nghĩ, ông cha truyền lại thì phải giữ lấy nghề, không để mai một đi được.
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống cứ thế, tiếp nối từ đời này sang đời khác. Chỉ khác ở chỗ, giờ những món đồ thêu thủ công được khách du lịch yêu thích, mua nhiều vào các dịp lễ hội, đồng bào gia tăng được kinh tế và có cuộc sống ấm no. Nếu bạn mê mẩn nét đẹp của thổ cẩm, thì hãy mua về làm quà hoặc kỷ niệm chuyến đi đáng nhớ tại Sapa nhé!
Comment (0)