Tiếng trang sức leng keng từ những ngôi nhà làm nghề chạm khắc bạc, tiếng vang trầm bổng ở xưởng trống truyền thống hay tiếng nói cười rôm rả của các cô, các chị người dân tộc đang quây quần thêu thùa trước hiên nhà…là những âm thanh quen thuộc gợi nhắc khách du lịch về cuộc sống bình ổn, an yên của người Dao Đỏ sống tại Sapa, Lào Cai. Hãy cùng Truly Sapa tìm hiểu xem dân tộc Dao Đỏ đã gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống như thế nào nhé!

Đôi nét về người Dao Đỏ Sapa

Người Dao Đỏ thuộc nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Với lịch sử phát triển lâu dài, người Dao Đỏ đã để lại cho con cháu đời sau kho tàng văn hóa phong phú, các phong tục truyền thống đặc sắc. Nhiệm vụ của thế hệ trẻ dân tộc Dao Đỏ là kế thừa và phát huy những nét đẹp đó.

Và một trong số di sản văn hóa nổi bật của bà con Dao Đỏ không thể bỏ qua đó là nghề thủ công truyền thống. Nghề chẳng những phục vụ cuộc sống, tín ngưỡng, tôn giáo, mà nó còn tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn khách du lịch.

Người Dao ở Sa Pa biến di sản phong phú, giàu bản sắc thành sản phẩm du lịch
Người Dao ở Sa Pa biến di sản phong phú, giàu bản sắc thành sản phẩm du lịch

Nghề chạm khắc bạc

Nghề chạm khắc bạc của người Dao Đỏ đã có từ lâu đời. Trước đây, nghề chạm khắc bạc chủ yếu sử dụng đồng và bạc làm thành những bộ trang sức và phụ kiện trang trí quần áo của người Dao Đỏ. Nó đỏi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ cũng như kinh nghiệm được truyền thụ qua nhiều thế hệ.

Từ các khâu chọn bạc, nung bạc đều được những người có kinh nghiệm thực hiện. Đặc biệt, khâu chạm khắc bạc được thực hiện thủ công, tốn không ít thời gian và sự công phu của những đôi tay tài hoa mới để lại những đường nét tinh xảo, sắc nét trên sản phẩm bạc.

Chiêm ngưỡng thành phẩm bạc tuyệt mỹ của người Dao Đỏ
Chiêm ngưỡng thành phẩm bạc tuyệt mỹ của người Dao Đỏ

Họa tiết, hoa văn chạm khắc nói lên đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Dao Đỏ. Không chỉ dừng lại ở việc chạm khắc, người Dao Đỏ còn có cách riêng để khiến sản phẩm trở nên hoàn hảo hơn. Theo đó, họ biết và tận dụng một loại cây rừng có thể khiến bạc sáng loáng. Nhờ thế, sản phẩm tới tay người mua lúc nào cũng đem lại sự hài lòng.

Cho đến nay, người Dao Đỏ vẫn tiếp tục phát triển nghề truyền thống này. Họ thiết kế thêm nhiều mẫu sản phẩm với họa tiết cách tân, kiểu dáng bắt mắt để bán cho khách du lịch.

Bạc của người Dao Đỏ bao giờ cũng là loại nguyên chất
Bạc của người Dao Đỏ bao giờ cũng là loại nguyên chất

Nghề làm trống truyền thống

Chiếc trống của người Dao Đỏ từ lâu gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Loại nhạc cụ này còn được gọi là trống nêm bởi xung quanh tang trống là dãy nêm được đóng chéo chắc chắn, bảo đảm mặt trống căng và cho âm thanh hay nhất.

So với các loại trống của người Kinh, người Tày, trống nêm của người Dao Đỏ có kích thước nhỏ, chiều cao trung bình từ 15 – 20cm. Mặt trống được bưng bằng da thú, trước là da của các loài báo, loài hổ, giờ làm bằng da dê, da bò vừa bền lại đẹp.

Trống có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao Đỏ
Trống có vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao Đỏ

Kỹ thuật làm trống công phu được người Dao Đỏ truyền cho các thế hệ đàn ông trong gia đình. Hiện nay ở Sapa, nghề làm trống vẫn được lưu giữ ở các xã Tả Phìn, Tả Van. Nơi tập trung nhiều nghệ nhân cao tay phải kể đến Tả Phìn và Bản Hồ.

Đối với đồng bào Dao Đỏ, nghề trống của họ có sức sống mãnh liệt, không thể mất đi. Trống nêm được coi như giá trị văn hóa, tinh thần, là biểu tượng tâm linh sâu sắc của người Dao Đỏ.

Ngày nay, trống còn trở thành vật dụng trang trí, một sản phẩm du lịch động đáo thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu
Ngày nay, trống còn trở thành vật dụng trang trí, một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu

Nghề thêu trang phục dân tộc

Nếu như nghề chạm khắc bạc, nghề làm trống là công việc của người đàn ông, thì người Dao Đỏ có nghề thêu trang phục truyền thống dành riêng cho phụ nữ. Hình ảnh các bà, các mẹ, các chị Dao Đỏ chăm chỉ, cần mẫn thêu tay những bộ phục trang dân tộc nhiều màu đã trở thành nét đẹp lao động, ghi dấu ấn khó phai trong lòng du khách thập phương. Thông thường, để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, mỗi chị em phải tranh thủ thời gian rảnh trong vòng vài tháng đến một năm.

Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao Đỏ
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao Đỏ

Tre già măng mọc, thế hệ sau truyền dạy cho thế hệ trước kinh nghiệm và kỹ thuật thêu thùa hoa văn. Các bé gái từ 9 tuổi đã theo mẹ, theo bà học thành thạo các thao tác thêu cơ bản.

Người Dao Đỏ hay thêu các họa tiết chủ đạo như chữ vạn, cây thông, hình con chim, hình con người…để truyền tải bản sắc văn hóa dân tộc cũng như ước muốn của họ trong cuộc sống. Bằng đôi tay khéo léo, người phụ nữ Dao Đỏ hiện đại còn thêu thủ công ví cầm tay, khăn quàng, túi xách…phù hợp cho du khách làm quà lưu niệm Sapa.

Họa tiết thổ cẩm bắt mắt của người Dao Đỏ mang nhiều ý nghĩa
Họa tiết thổ cẩm bắt mắt của người Dao Đỏ mang nhiều ý nghĩa

Nghề rèn ở Tả Phìn

Thêm một nghề truyền thống đặc sắc khác của người Dao Đỏ đó là nghề rèn. Với các lò rèn ở Tả Phìn, các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn thủ công. Từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm…tất cả đều chỉ bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc.

Do tập quán của người Dao thích sống trên cao, đường lại khó đi nên thỉnh thoảng họ mới xuống chợ. Những dụng cụ lao động đều do họ tự làm để tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng chính vì thế mà đồ rèn ở đây có độ tinh xảo và độ bền cao.

Những người giữ nghề rèn ở Tả Phìn, Sapa
Những người giữ nghề rèn ở Tả Phìn, Sapa

Theo nghiệp rèn phải là người thợ có sức khỏe tốt, sự khéo léo cùng sự kiên trì và sáng tạo mới cho ra lò được những sản phẩm hoàn mỹ vừa có tính ứng dụng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Dao Đỏ. Việc bảo tồn và phát triển nghề rèn truyền thống rất có ý nghĩa, nó góp phần thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu khám phá, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con vùng cao.