Đến với Sapa lần đầu bạn chẳng thể nào bỏ qua bản Cát Cát, Fansipan, Ô Quy Hồ, núi Hàm Rồng hay xa hơn là bản Lao Chải, Tả Van…Nhưng nếu trở lại Sapa dịp này, đừng quên đặt chân tới Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa. Đây không đơn thuần là một nơi để check-in màu sắc, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa của nghề thổ cẩm truyền thống, là nơi trải nghiệm gắn kết, tìm hiểu thú vị cho các bạn trẻ, các gia đình có bé nhỏ. 

Vài nét phác họa về nghề xe lanh dệt vải của người H’Mông

Từ lâu, nhắc đến Sapa là nhắc đến cảnh một thị trấn phố núi quanh năm mây mù giăng kín lối cùng với hình ảnh những em bé, những người phụ nữ Mông xúng xính những tà áo sặc sỡ tại bản làng thơ mộng nằm rải rác trên các dãy núi.

Sự đa dạng trong sắc màu và sự tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ góp phần tạo lên những họa tiết tinh xảo là sự kết tinh từ cả một quá trình cần mẫn và óc tưởng tượng phong phú của những người phụ nữ Mông tài hoa. Người Mông có câu:

“Đói đến chết cũng không ăn thóc giống

Rách cũng phải có áo lanh mặc lúc chết

Không có áo lanh mặc người Mông lạc mất tổ tiên”

Chỉ vài câu thơ đã nói lên tầm quan trọng của phục trang trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân tộc Mông. Dù cuộc sống ngày càng được hiện đại hóa, đồng bào Mông vẫn giữ nếp xưa trồng lanh, dệt vải. Sự cầu kỳ, kỹ lưỡng trong từng đường nét hoa văn không chỉ đơn thuần là thẩm mỹ mà còn là nét tâm linh trong văn hóa từ xa xưa.

Nghề dệt lanh bao gồm rất nhiều công đoạn, từ cây lanh đến khi thu hoạch, tước sợi, nối sợi, xe lanh…rồi dệt vải, nhuộm chàm và thêu họa tiết, mỗi công đoạn đều yêu cầu sự cẩn thận và chăm sóc tỉ mỉ cũng như trí tưởng tượng, sáng tạo tuyệt vời của người phụ nữ. 

Nghề dệt vải lanh được truyền lại giữa các thế hệ phụ nữ trong gia đình qua hàng ngàn đời nay. Những cô bé người Mông mới 7 – 8 tuổi đã có thể phụ giúp mẹ tước sợi lanh, cũng như ngồi vào khu cửi dệt vải lành nghề không kém.

“Lớn lên anh theo cha đi cày

Theo anh vào rừng săn thú

Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới.”

Thấu hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa đó, HTX thổ cẩm Lan Rừng đã trưng bày không gian về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mông để du khách đến Sapa có những trải nghiệm sâu hơn, góp phần bảo tồn cũng như nâng tầm nghề dệt lanh đến với bạn bè quốc tế.

Hướng dẫn tham quan chi tiết Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa

Địa chỉ Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa

Tọa lạc ngay tại trung tâm thị trấn Sapa, làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa nằm cách nhà thờ đá khoảng 3km tại ngõ 81 Điện Biên Phủ, tổ 1, phường Sapa. 

Giờ mở cửa Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa

Làng thổ cẩm Lan Rừng mở cửa đón tiếp du khách từ 7h30 sáng đến 18h chiều. 

Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa có gì?

Được hình thành và phát triển hơn 20 năm, đây là nơi văn hóa thổ cẩm Sapa được gìn giữ, trân trọng và nâng tầm lên thành một môn nghệ thuật, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm độc đáo và thú vị tại không gian HTX nghề thổ cẩm Lan Rừng.

Cùng với Truly Sapa đi vào khám phá sâu hơn khu vực làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa nhé.

Khu vực check-in

Đầu tiên là ngôi nhà thổ cẩm độc nhất vô nhị tại Việt Nam sẽ mang đến một không gian thổ cẩm đẹp nhất tạo thành từ những tấm thảm, vải trang trí màu sắc được nhuộm chàm và thêu họa tiết công phu. 

Tiếp theo là bảo tàng tranh tơ độc đáo với những sợi tơ đa sắc thêu dệt lên một không gian của màu sắc sống động và sặc sỡ. 

Ngoài ra, còn những vị trí check in cực ảo dành cho các chị em như là ghế mặt trời với ô cửa sổ tròn nhìn ra cảnh núi rừng Sapa thơ mộng hoặc là đường hoa cẩm tú cầu, Skywalk cánh bướm, xích đu cánh thiên thần…thuộc khuôn viên của Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa.

Khu vực trải nghiệm

Ngoài khu vực dành cho tham quan ra, làng nghề thổ cẩm Lan Rừng cũng cung cấp một số dịch vụ, hoạt động trải nghiệm thiết thực và thú vị dành cho du khách như dệt vải thổ cẩm, nhuộm chàm cho vải, vẽ sáp ong trên vải hay thêu họa tiết thổ cẩm.

Đối với các bạn trẻ và các gia đình có bé nhỏ, được chứng kiến tận mắt quá trình làm ra một sản phẩm thổ cẩm cũng như được góp phần vào quy trình sản xuất sẽ là một kỷ niệm khó quên sau chuyến thăm Sapa này.

Những người phụ nữ Mông đang thêu họa tiết
Cách nhuộm chàm cho thấy sự sáng tạo của người Mông

Khu vực chill

Tại Lan Rừng còn có không gian dành riêng cho những tách cà phê và trà, là nơi bạn có thể ngắm khung cảnh thiên nhiên rừng núi và chill bên cốc cà phê nghi ngút khói sau chuyến tham quan làng thổ cẩm.

Giá vé tham quan Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa

Vé vào cửa Làng thổ cẩm Lan Rừng Sapa có giá 40.000đ/khách.

Giá thuê váy thổ cẩm chính gốc chỉ từ 50.000đ/bộ. 

Truly Sapa đánh giá đây là một điểm đến lý tưởng dành cho những du khách muốn tìm hiểu về phong tục và thời trang của người dân bản địa Sapa với giá cả hợp lý cùng với nhiều hoạt động và trải nghiệm thú vị, độc đáo. Vì thế, nếu có cơ hội du lịch Sapa, bạn hãy đến với làng thổ cẩm Lan Rừng để trải nghiệm những phút giây tuyệt vời nhất của chuyến đi nhé!