Nếu như cảnh sắc thiên nhiên và khí hậu cận nhiệt, ôn đới bồi tạo nên vẻ ngoài lung linh, tráng lệ cho Sapa, thì con người lại là phần tâm hồn, ghi dấu ấn trong lòng du khách về nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Từ thuở xa xưa, người dân tập trung sinh sống và lao động theo từng nhóm, rồi dần dần hình thành một cộng đồng các dân tộc thiểu số trên Sapa. Đến nay, khi tìm hiểu về dân số của Sapa, chúng ta biết thêm các dân tộc anh em với những đặc trưng trong trang phục, phong tục, ẩm thực… mang màu sắc độc đáo khác nhau. 

Dân tộc H’Mông

Chiếm phần lớn dân số toàn thị xã Sapa là đồng bào H’Mong. Khác với bà con Mông ở những địa phương Hà Giang hay Sơn La, dân tộc Mông ở tỉnh Lào Cai có chung một bộ trang phục truyền thống màu đen. Theo đó, cả nam và nữ sẽ mặc áo và quần đen, khoác ngoài áo không tay kiểu gilê vạt dài tới gối cùng chiếc mũ đội đầu nhỏ xinh. Điểm nhấn trong tạo hình của người Mông là ở trang sức và các hoa văn thổ cẩm. Họ chăm đeo hoa tai dài và vòng cổ bạc, siêng năng thêu thủ công những họa tiết phức tạp trên cổ tay, tà áo, viền mũ…

Trang phục truyền thống màu đen của bà con Mông
Trang phục truyền thống màu đen của bà con Mông

Đồng bào H’Mông chủ yếu sống bằng nghề làm nông. Những thửa ruộng bậc thang nằm san sát nhau, trải dài sườn đồi, sườn núi mà ngày nay du khách vẫn thấy là thành quả được truyền thụ bao đời của tộc người Mông. Đồng ruộng của người Mông không chỉ tạo ra lương thực, mà còn trở thành một trong những cảnh quan đẹp nhất vùng núi Tây Bắc.

Ruộng bậc thang là thành quả lao động của người Mông
Ruộng bậc thang là thành quả lao động của người Mông

Trên những cánh đồng bát ngát hay vùng đồi cao nơi dân tộc H’Mông sinh sống vẫn thường diễn ra lễ hội Gầu Tào vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Nếu có dịp ghé đến những bản làng Cát Cát, Sa Pả, Lao Chải, Sép Mí Tỷ hay Tả Giàng Phình, du khách sẽ được hòa mình trong không khí lễ hội với các cuộc thi bắn cung, bắn nỏ, múa khèn, múa võ, đua ngựa; ăn những món đặc sản lạ miệng như thắng cố, bánh ngô, đậu xị hay trải nghiệm đời sống sinh hoạt bình dị của đồng bào Mông.

Người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào vào tháng Giêng hằng năm
Người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào vào tháng Giêng hằng năm

Dân tộc Dao Đỏ

Người Dao Đỏ ở Sapa có lượng người chỉ sau dân tộc Mông. Dấu hiệu nhận biết người Dao Đỏ trong các phiên chợ nằm ở màu sắc nổi bật trong trang phục. Hễ thấy ai mặc quần áo xanh đen, có hoa văn nhiều màu thêu trên cổ, vạt hay tà áo, đầu quấn khăn tam giác đỏ rực hoặc búi tóc sau gáy là đích thị bà con Dao Đỏ.

Người Dao Đỏ thường mặc trang phục rất nổi bật
Người Dao Đỏ thường mặc trang phục rất nổi bật

Đặc điểm dân cư của người Dao Đỏ đó là tập trung sinh sống tại những thung lũng hoặc lưng chừng núi tại các xã Tả Phìn, Nâm Cang, Thanh Kim… Họ chọn vị trí thấp như vậy để tiện xây nhà dựng cửa và trồng trọt cày cấy. Ngô, lúa, thảo quả do người Dao Đỏ làm ra thường được cái lái buôn tới tận nhà thu mua, bán sang các nước láng giềng. Chính nhờ hoạt động giao thương này mà đời sống của bà con ổn định, có “đồng ra đồng vào”.

Tới du lịch các bản làng của người Dao Đỏ, du khách chớ nên bỏ lỡ các lễ hội độc đáo như lễ cấp sắc, lễ Tết nhảy hay lễ hội hát giao duyên. Những nghi thức, trò chơi, điệu múa trong các lễ hội đó thể hiện nếp sống, phong phục cũng như văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Dao Đỏ.

Nam thanh nữ tú tham gia lễ hội Tết nhảy Sapa
Nam thanh nữ tú tham gia lễ hội Tết nhảy Sapa

Dân tộc Tày

Dưới lòng thung lũng, men các bờ sông, bờ suối màu mỡ là những nếp nhà sàn nơi tộc người Tày lập bản sinh sống. Chỉ cần đi dọc con đường dẫn lối tới Tả Van, Bản Hồ, Thanh Phú, Lao Chải, bạn sẽ gặp gỡ những người Tày giản dị trong bộ cánh tứ thân xẻ ngực màu chàm, cổ tròn, thắt lưng bản rộng lấp lánh chút kim tuyến quấn quanh eo.

Người Tày giản dị trong trang phục truyền thồng
Người Tày giản dị trong trang phục truyền thồng

Khi trở về từ bản làng của người Tày, chắc chắn du khách sẽ lưu luyến làn điệu dân ca hát lượn, hát khắp trong những đêm hội hè. Ngoài ra, không khí tại các lễ hội truyền thống như Lồng Tồng hay múa xoè tổ chức các dịp đầu năm với mong ước mưa thuận gió hoà, vụ mùa tốt tươi còn đem lại những trải nghiệm ấn tượng cho du khách.

Người Tày biểu diễn làn điệu dân ca hát khắp, hát lượn
Người Tày biểu diễn làn điệu dân ca hát khắp, hát lượn

Dân tộc Giáy

Số ít dân tộc Giáy ở Sapa tập trung chủ yếu ở bản Tả Van. Giống tộc người Tày, đồng bào Giáy cũng lựa chọn khu vực thấp, gần sông suối để chăn nuôi và trồng cấy được thuận lợi. Loại lương thực chính của bà con là lúa tẻ. Cách dùng gạo tẻ nấu cơm khá kỳ công, ban đầu luộc sơ hạt gạo rồi mới đồ chín hẳn trong chõ. Để không phí phạm, bà con còn dùng luôn nước luộc gạo thay nước uống.

Màu sắc rực rỡ trong trang phục của người Giáy
Màu sắc rực rỡ trong trang phục của người Giáy

Trong số các dân tộc anh em tỉnh Lào Cai, trang phục của người Giáy là ít cầu kỳ nhất. Bộ đồ làm từ chất vải lụa hoặc sa tanh với quần đen và áo trơn nhiều màu nhưng lạ ở chỗ không có màu trắng. Vào lễ hội Gióng Pooc mang ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, những sắc màu từ trang phục của người Giáy càng rực rỡ hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc họ trổ tài nấu các món truyền thống như khâu nhục, thịt nướng nguyên con.

Dân tộc Xá Phó

Thuộc nhóm dân số vô cùng ít ỏi, đồng bào Xá Phó chỉ sinh sống trong bản làng Nậm Sàng nhỏ bé. Nhưng không vì thế mà họ thiếu sự độc đáo trong bản sắc dân tộc. Nổi bật nhất phải kể đến kho tàng văn nghệ dân gian tộc Xá Phó. Các điệu múa xòe, múa gùi, múa kéo sợi, múa đi lấy nước, múa khăn,… được đặt tên theo những công việc thường ngày của bà con. Nét uyển chuyển, nhịp nhàng từ đôi tay người phụ nữ thể hiện vẻ đẹp trong lao động sản xuất. Thông qua những bài múa, người Xá Phó muốn truyền dạy các thế hệ sau phải biết yêu lao động, chăm chỉ, cần mẫn để cuộc sống thêm tươi đẹp.

Hình ảnh chị em Xá Phó tập hát, tập múa cho lễ hội
Hình ảnh chị em Xá Phó tập văn nghệ cho lễ hội

Vừa rồi là một vài nét giới thiệu các dân tộc thiểu số sống ở Sapa hiện nay. Ngoài việc thư giãn trong cảnh sắc tươi đẹp miền Tây Bắc, hãy tô điểm cho chuyến đi Sapa của mình bằng cách khám khá sự đa dạng trong văn hoá của đồng bào nơi đây.