Nếu như dân ca Nam bộ có “Lý cây bông”, dân ca Bắc Bộ có “Lý cây đa” là những bài hát ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của mỗi vùng đất, thì đối với người dân miền núi Tây Bắc, cây lanh chính là biểu tượng văn hóa của con người nơi đây. Cây lanh xuất hiện ở mọi mặt cuộc sống của người H’Mông từ trong ẩm thực, trang phục, dựng nhà, cưới vợ gả chồng tới đời sống tâm linh. Cây lanh không chỉ mang nhiều ý nghĩa mà còn góp phần quan trọng tạo nên nghề dệt thổ cẩm truyền thống đầy tự hào của dân tộc Mông. Nét đẹp văn hóa này liệu có làm bạn hứng thú? Hãy cùng tìm hiểu với Truly Sapa ngay nhé!
Lý giải cây lanh – Biểu tượng văn hóa của người Mông
Cây lanh là cây công nghiệp thân thảo được trồng làm thực phẩm và lấy sợi ở các vùng khí hậu ôn đới như Sapa. Loài cây này mang lại nhiều giá trị, vì vậy, nó được bà con vùng núi tận dụng trong mọi hoạt động đời sống. Điển hình như trong may mặc, sợi lanh là nguyên liệu được đồng bào các dân tộc sử dụng nhiều nhất. Vải lanh có độ bền chắc cao, thông thoáng và không bị mốc, thường được dùng để may thành quần áo, túi, vỏ chăn, vỏ gối, thảm và các sản phẩm thủ công khác.
Mỗi gia đình Mông thường dành ra một khoảng đất trống màu mỡ, bằng phẳng để trồng cây lanh. Khi thu hoạch cây ngô cũng là lúc cây lanh đủ già để chặt mang về. Người Mông nâng niu loài cây này vì thân nó bé nhỏ, giòn và dễ gãy, chỉ cần đứt đoạn thì sợi lanh sẽ không còn đẹp nữa. Khi mang cây về, ngày nắng họ đem ra phơi cho khô, tối đến hoặc những ngày mưa thì cất trên gác bếp. Họ quý loài cây này không chỉ vì nó cho loại vải tốt, mà nó còn thể hiện công sức lao động đáng trân trọng của những người phụ nữ.
Từ xa xưa, người H’Mông trồng lanh không chỉ lấy sợi để làm ra trang phục, mà cây lanh còn được ứng dụng trong nhiều nền văn hóa bản địa khác nhau. Chẳng hạn như trong ẩm thực, dầu ép từ hạt lanh có giá trị dinh dưỡng cao được dùng làm thực phẩm, đồng thời, dầu hạt lanh còn có công dụng khác như pha sơn, pha mực in. Trong xây dựng, lanh dai và không dễ mục, có tác dụng buộc kèo và xà với nhau, nối các cánh cửa, những tấm ván ghép thành tường. Trong đám cưới, sợi lanh dệt nên trang phục đẹp cho cô dâu, chú rể. Hay trong thi ca nhạc họa, lanh chính là biểu tượng của phụ nữ, của tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc…
Quy trình tạo nên một tấm vải dệt thổ cẩm
Việc trồng lanh không hề vất vả, nhưng để dệt thành tấm vải thổ cẩm hoàn thiện thì phải qua rất nhiều công đoạn, cực tốn thời gian và công sức. Thậm chí, mức độ kỳ công, phức tạp của công việc này sẽ còn khiến ta thán phục người dân Tây Bắc hơn nữa.
Công đoạn 1: Trồng và thu hoạch lanh
Cứ đến tháng Ba âm lịch hàng năm, người Mông sẽ gieo trồng lanh. Họ lấy hạt lanh trộn đều cùng phân chuồng đã ủ hoặc tro bếp, trộn xong rải đều khắp mặt đất, lấy cuốc xới một lớp đất mỏng, rồi trộn lại lần nữa. Lúc gieo có thể điều chỉnh mức độ dày hoặc thưa thì tùy thích. Chờ tới tháng 8 khi cây lanh đã già, người nông dân sống tại khắp các bản làng Sapa bắt đầu thu hái và phơi lanh.
Công đoạn 2: Tước sợi và giã lanh
Khi cây lanh bắt đầu héo là lúc tước được sợi. Công việc tước sợi cần đôi tay khéo léo để đảm bảo sợi lanh đều và chắc. Sợi lanh tước ra được bó thành từng nắm, treo dài trước cửa rồi đem cuộn tròn lại mang vào cối để giã. Giã tới bao giờ lanh mềm, sợi uốn cong thì lấy ra treo lên, như vậy là se được.
Công đoạn 3: Se sợi lanh và dệt vải
Trong các gia đình người Mông, mọi người tự ước lượng sức lực và thời gian để tách một nắm lanh ra rồi se sợi. Việc se lanh diễn ra bất kỳ lúc nào và ở đâu như se trên đường lên nương, lên rừng, lúc nấu cơm, lúc đi chợ, buổi tối… Se xong, họ dùng con quay nối cuốn các sợi lại thật dài sau đó mang đi luộc và ngâm nhiều lần, cứ như thế đến lúc nào sợi trắng mới thôi.
Sợi lanh trắng được đem phơi khô rồi mới cho vào con quay để dệt vải. Công việc này thường thì người già trong nhà đảm nhận, vì họ có nhiều thời gian ở nhà và có kinh nghiệm xử lý các sợi xấu, đứt hoặc mỏng… Các em nhỏ thường đứng xem hoặc được người gài cho ngồi vào khung cởi để học cách dệt.
Công đoạn 4: In hoa văn bằng sáp ong
Sau khi đã dệt thành tấm vải, người Mông tiếp tục luộc nó trong nước tro rồi lại giặt phơi khô vài lần để vải trắng và mềm ra, sau đó là lăn cho vải mềm mịn, bóng ra. Bây giờ, tấm vải sẽ có màu trắng ngà, người Mông bắt tay vào vẽ hoa văn trên bề mặt vải. Nguyên liệu chính để chế tác những hoa văn trên trang phục là sáp ong. Muốn vẽ hoạ tiết thổ cẩm thì phải nấu chảy sáp ong thành màu vàng hoặc đen, trộn đều lên cho tương ứng với độ đậm nhạt mong muốn.
Khi vải và sáp đã sẵn sàng, người phụ nữ H’Mông tiến hành vẽ sáp. Họ chấm bút vào sáp ong nóng rồi kẻ thật khéo những nét thẳng trên vải. Quá trình này đòi hỏi sáp chảy đều, không bị loang lổ đồng thời đôi tay của người thực hiện cũng phải hết sức tài hoa mới tạo ra hoạ tiết chuẩn và đẹp. Mỗi mẫu hoa văn sẽ được tạo tác công phu trước khi nhuộm.
Công đoạn 5: Nhuộm chàm và phơi nắng
Vẽ xong toàn bộ tấm vải, bà con lại mang đi luộc, đun lửa sôi và đều tay thì lớp sáp mới bong hết và để lại hoa văn đẹp trên lớp vải. Theo truyền thống, phụ nữ Mông sẽ nhuộm chàm vải lanh. Kỹ thuật này không quá khó nhưng đòi hỏi tỷ lệ pha nước chàm phù hợp cũng như căn thời gian chuẩn. Thông thường. công đoạn nhuộm chàm thường kéo dài khoảng 1 tháng.
Comment (0)