Mùa xuân là khởi điểm của sự sống, khi mà “nhựa sống” đang cuồn cuộn chảy với niềm khao khát lớn nhất, vạn vật như bình tỉnh và khoác lên mình một lớp áo mới. Trăm hoa khoe sắc hương ngọt ngào, cây cối đâm chồi nảy lộc và người người khắp nơi trên rẻo cao hướng về năm mới. Đó cũng là lúc không khí nhộn nhịp từ các lễ hội truyền thống lan rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ghé Sapa dịp đầu xuân, hãy trải nghiệm lễ hội của bà con dân tộc để cảm nhận nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa của Tây Bắc nhé!

Gầu Tào – Lễ hội văn hóa dân gian độc đáo của người H’Mông

Từ ngày mùng 1 đến 15 tháng Giêng âm lịch, bà con người Mông sẽ tổ chức lễ Gầu Tào. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của tộc người H’Mông. Theo đó, “Gầu Tào” tiếng Mông mang nghĩa là “chơi ngoài trời”. Lễ hội này bắt nguồn từ việc mong cầu có con hoặc con khỏe mạnh của các gia đình. Thông thường, ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và cùng chung ước nguyện sẽ tổ chức cúng thần núi và xin làng làm lễ Gầu Tào.

Lên bản Mông vui hội Gầu Tào
Lên bản Mông vui hội Gầu Tào

Ở lễ hội này, người dân tham gia sẽ cúng tạ trời đất, cầu mong thần linh ban cho sức khỏe, bình an và thịnh vượng. Bên cạnh những mong ước, dân làng cũng coi lễ Gầu Tào là dịp để tụ tập chuyện trò, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Còn đối với khách du lịch, góp mặt trong lễ hôi Gầu Tào có ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc, đồng thời, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa từ các tiết mục thi thố đặc sắc. Những tiếng khèn, những tiếng cười reo vang khắp Đồi Hội (khu đồi thấp, rộng và bằng phẳng) như tô điểm mùa xuân thêm đẹp và hứa hẹn một năm mới bội thu, nhà nhà sung túc đủ đầy.

Gầu Tào được tổ chức ở tất cả các làng xã, huyện nơi có đồng bào Mông sinh sống
Gầu Tào được tổ chức ở tất cả các làng xã, huyện nơi có đồng bào Mông sinh sống

Mùa xuân vui hội xuống đồng cùng bà con dân tộc Tày, Dao

Nếu như người Mông mừng năm mới bằng lễ hội Gầu Tào thì người Tày, người Dao lại phấn khích vô cùng với lễ hội xuống đồng đầu năm. Hầu hết khách du lịch thập phương đến Sapa đợt Tết đều rất mong đợi lễ hội này. Theo đó, xuống đồng ngày xuân gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ bao gồm các nghi lễ rước nước, rước đất, cày đồng, lễ cúng… Bạn sẽ thấy một đoàn người mặc quần áo chỉnh tề, đi theo kiệu rước được trang trí sặc sỡ theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Sau khi kết thúc nghi lễ, phần hội chính thức bắt đầu với các tiết mục văn nghệ dân gian độc đáo.

Lễ xuống đồng diễn ra vào sáng mùng 8 Tết âm lịch hằng năm
Lễ xuống đồng diễn ra vào sáng mùng 8 Tết âm lịch hằng năm

Những ai từng một lần tham gia lễ hội xuống đồng chắc hẳn thích mê với các điệu múa, điệu nhạc dân gian. Đặc biệt nhất phải kể đến điệu múa xòe của những cô gái người Tày. Theo nhịp khèn trống, người con gái nhẹ nhàng thực hiện các động tác xòe điệu nghệ, khoe trọn sự duyên dáng, thướt tha của mình. Nối tiếp màn xòe là các hoạt động vui chơi, giải trí. Tại đây, du khách có cơ hội chơi những trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh quay, bịt mắt bắt dê… Không khí lễ hội ngập tràn, ai cũng vui tươi, hào hứng vì vậy rất nhiều kỷ niệm đẹp từ đó đã ra đời.

Người người đổ về Sapa xem lễ hội xuống đồng
Người người đổ về Sapa xem lễ hội xuống đồng

Độc đáo Lễ Tết nhảy của người Dao ở Tả Van

Lễ Tết nhảy là nghi nghi lễ cúng Bàn Vương thủy tổ của dân tộc Dao. Bà con chào đón năm mới với nhiều nghi lễ thờ cúng long trọng, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Phần quan trọng nhất của ngày Tết này chính là múa tri ân. Các điệu múa đón thần linh về ăn Tết; điệu múa chào bố mẹ, tổ tiên; điệu mời tiên giáng trần; điệu múa “tam nguyên an ham” và “ra binh vào tướng” sẽ lần lượt được biểu biễn. Người dân múa rất đẹp, động tác uyển chuyển mà dứt khoát, đã khiến cho du khách không thể rời mắt dù chỉ một giây.

Lễ Tết nhảy thường diễn ra vào cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hằng năm
Lễ Tết nhảy thường diễn ra vào cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một và mùng hai Tết âm lịch hằng năm

Lễ quét lá làng của tộc người Xá Phó – Sapa

Theo quan niệm xa xưa của tộc Xá Phó, tháng 2 là thời điểm ma đói kéo về làng, quấy phá cuộc sống của dân bản. Do đó, lễ hội này được tổ chức với mong muốn cầu cho dân làng bình yên, khỏe mạnh, mùa vụ được bội thu và chăn nuôi phát triển. Trước hôm diễn ra buổi lễ, các chủ hộ trong làng họp nhau tại nhà của già làng, bàn về công tác chuẩn bị. Đến ngày hội, mọi người góp nhay bát gạo, gà, rượu, hương rồi làm lễ cũng. Thầy cúng cầm kiếm gỗ và cành đào, mặt bôi nhọ làm lễ quét lá cho cả làng. Tới mỗi nhà dân, thầy sẽ rót 1 chén rượu rồi đặt vào bàn thờ gia tiên, múa kiếm gỗ xua đuổi tà ma.

Đến ngày Ngọ, ngày Mùi trong tháng 2 âm lịch mỗi năm, người dân Xá Phó mở hội quét lá làng
Đến ngày Ngọ, ngày Mùi trong tháng 2 âm lịch mỗi năm, người dân Xá Phó mở hội quét lá làng

Các lễ hội mùa xuân ở Sapa, Lào Cai phần lớn phản ánh rõ nét cuộc sống lao động, sản xuất của người dân Tây Bắc hàng trăm năm nay, nên nó mang tính lịch sử và nhân văn sâu sắc. Ở mỗi lễ hội lại có nghi thức và các hoạt động vui chơi khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về những nguyện ước tốt đẹp cho mùa màng và dân bản. Hơn thế nữa, không khí lễ hội luôn tưng bừng, rộn ràng và chào mời khách du lịch ghé tới và tận hưởng.